Giang Trang từng nói chưa bao giờ cô cho rằng mình hát xuất sắc nhạc Trịnh. Ấy thế mà giữa bao người hát Trịnh, Giang Trang được ghi nhận là tiếng hát khởi lộ "vùng trời khác" trong các tác phẩm của nhạc sĩ tài hoa.
Với đánh giá và sự trân trọng như thế nên suốt bảy năm qua, dù Giang Trang ra đĩa hay tổ chức đêm nhạc, cô đều được gia đình nhạc sĩ "miễn phí" toàn bộ tác quyền.
Bằng ba album và ba đêm nhạc riêng luôn gây "sốt vé", Giang Trang cho thấy cô tiếp nhận và ứng xử nhạc Trịnh với sự nhã nhặn, chừng mực, bình thản.
Cô hát vì được chia sẻ, giao kết về tinh thần chứ không vì danh vị. Với Giang Trang, nhạc Trịnh là "ân nhân",
là chốn nương tựa tinh thần.
Khác với những đêm nhạc trước đây - Hạ huyền và Lênh đênh nhớ phố biểu lộ tính hiện sinh, Chiều qua vẫn qua thể hiện màu sắc đồng dao và Hạ huyền 2 phác thảo tinh thần âm nhạc phương Tây trong nhạc Trịnh; với Nguyệt hạ, Giang Trang và hai người bạn đồng hành chủ ý đề cao "tính nhạc" ở ca khúc Trịnh Công Sơn.
Với 11 bản nhạc sẽ trình bày, họ muốn tạo nên câu chuyện âm nhạc không ngắt quãng. Ba nghệ sĩ như "tam tấu" (trio), khi hòa thanh, khi trình diễn đơn để toát lên tinh thần mới trong nhạc Trịnh mà họ cảm thụ và muốn biểu đạt.
"Nếu như xưa nay người ta vẫn nói nhiều về ca từ, về chất thơ và thậm chí là chất thiền trong nhạc Trịnh thì giờ đây, qua Nguyệt hạ, chúng tôi muốn bộc bạch cảm nhận của mình ở nhạc Trịnh qua một yếu tố cốt lõi là "tính nhạc" trong nhạc Trịnh.
Âm nhạc ấy có tính "xuyên không", là chất kết nối với người nghe khắp mọi nơi, thậm chí không cần biểu đạt qua phần lời" - Giang Trang giới thiệu.
Cùng với khai thác tính nhạc ở mức tối giản, Nguyệt hạ tái hiện những gam màu sáng từ cõi u hoài, mênh mang trong nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn không vồn vã bày tỏ sự lạc quan trong bất kỳ bài hát nào của mình, nhưng Giang Trang thấy cõi an nhiên, ánh trăng hi vọng, nguồn vui sống nơi âm nhạc của ông và mong muốn chia sẻ với công
chúng điều đó.
Có thể nói với Nguyệt hạ lần này, ba cô gái không chỉ soi mình qua bóng trăng, mà còn "gạn bóng trăng" để tìm ra những vầng sáng trong câu nhạc, tính nhạc của Trịnh Công Sơn.
Trong cuộc trò chuyện về đêm nhạc sắp tới, Giang Trang bày tỏ, qua Nguyệt hạ, khán giả sẽ thấy nhạc Trịnh không chỉ hiện diện trong thế giới tinh thần của thế hệ của cô, Lê Thu hay Lê Thư Hương, mà còn có sức lan tỏa đến những thế hệ hiện tại và sau này. Góp sức cho sự thể hiện những ý niệm mới ở Nguyệt hạ còn có một chàng trai thế hệ 9x là đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh - người từng chinh phục được nhiều bạn trẻ thủ đô qua những vở nhạc kịch mới mẻ như Góc phố danh vọng,
Đêm hè sau cuối.
Sau khi tốt nghiệp ngành sân khấu điện ảnh tại ĐH Hamsphire (Mỹ), dự án đầu tiên của Phi Anh khi trở về Hà Nội là đứng vai trò đạo diễn sân khấu cho Nguyệt hạ. Chênh nhau tới 10 tuổi, nhưng Phi Anh và Giang Trang gặp nhau ở cách tư duy về nhạc Trịnh Công Sơn. Trong bộ phim truyện điện ảnh đầu tay của Phi Anh là Cơn bão đi qua địa cầu, khi tìm nhạc cho phim, đạo diễn trẻ đã dừng lại ở đĩa nhạc Hạ huyền và đưa vào phim hai ca khúc do Giang Trang trình bày là Ngẫu nhiên và Như chim ưu phiền. Ba cô gái và một đạo diễn còn rất trẻ đã gặp nhau một cách "ngẫu nhiên" ở nhạc Trịnh và ở Nguyệt hạ như thế.
"Tam tấu" của Nguyệt hạ Giang Trang là ca sĩ tự do, sinh năm 1981, từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Cô đã giới thiệu đến khán giả một số album và đêm nhạc Trịnh Công Sơn, cô cũng trình diễn nhạc Trịnh trong nhiều chuyến lưu diễn tại Pháp, Đức. Lê Thu vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ 7 tuổi, là thí sinh trẻ nhất được nhận vào trường. Là nghệ sĩ guitar đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, Lê Thu biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha... Hiện cô sinh sống ở Saudi Arabia. Lê Thư Hương từng đỗ thủ khoa tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2001, sau đó theo học tại Nhạc viện hoàng gia Đan Mạch, nay đang làm nghiên cứu sinh về biểu diễn sáo tại ĐH Bắc Texas (Mỹ). Cô cũng đã trình diễn sáo tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Điển... |